Nội dung chính
Ngày xưa piano vốn được coi là loại nhạc cụ quy tộc, dành cho tầng lớp thượng lưu, còn hiện nay tại Việt nam, đặc biệt ở những thành phố lớn thì piano đang dần trở thành một xu hướng mới mẻ, phát triển với một phong cách âm nhạc mới, hiện đại hơn. Hiện nay hầu hết những người theo học piano đều chọn theo xu hướng cover, đệm hát và phong cách chơi ngẫu hứng, sáng tạo. Vậy phong cách chơi theo kiểu cover và đệm hát khác với phong cách chơi cổ điển thế nào?
1. Phong cách chơi piano cổ điển:
Hay còn gọi là piano classical là một chuyên nghành trong đó người theo học và nghệ sĩ sẽ tập những tác phẩm từ thời kì phục hưng cho đến thời kì lãng mạn của các nhạc sĩ nổi tiếng như Beethoven, Chopin, Mozart, Bach,..vv và nhiều nhạc sĩ khác. Các tác phẩm đó thường chia ra nhiều chương, phần hay loại khác nhau, ví dụ như sonata chương 1, bản số 1,…vv.
Nhạc cổ điển rất khó chơi, đa số giai điệu của nhạc cổ điển rất phức tạp, nó khiến các ngón tay của bạn phải rượt đuổi nhau trên phím dương cầm rất nhiều, tạo ra những thế bấm khó và điêu luyện. Nhạc cổ điển đòi hỏi người tập phải có kĩ thuật ngón tay tốt, luyện tập trong một thời gian dài. Để theo dòng nhạc này, đòi hỏi bạn phải có những tiêu chuẩn sau:
- Nắm vứng nhạc lý cơ bản về phần đọc xướng âm, kĩ năng thị tấu, làm quen với bản nhạc
- Kĩ thuật ngón tay tốt, ngón phải được rèn luyện qua những bài tập khó để trở nên linh hoạt và phản xạ tốt với giai điệu phức tạp của thể loại calassical này.
Khi bắt đầu học cổ điển, thường thì thầy giáo sẽ cho bạn tập những bản sonata, phức điệu đơn giản, trong các trường học thì mỗi một học kì, học sinh sẽ phải tập 4 bản nhạc, trong đó có một sonata, một phức điệu, một jazz cổ điển (hoặc ragtime) và một tác phẩm nổi tiếng. Hoặc ngoài sonata hay phức điệu, các bạn cũng có thể tập một bản dạ khúc hay etupe cũng được,…vv. Độ khó của những bài tập sẽ được giáo viên cân nhắc qua quá trình học mà tăng dần lên cho bạn.
Nhạc cổ điển nói chung thường được biểu diễn dưới dạng dàn nhạc giao hưởng, có đầy đủ từ a đến z các loại nhạc cụ cần thiết cho bản phối và sắp xếp vị trí phù hợp trên một sân khấu rộng, chủ yếu là bộ dây và bộ hơi, dương cầm cũng là một phần trong đó. Thỉnh thoảng thì có những tiết mục biểu diễn độc tấu một nhạc cụ, và piano khá là phổ biến trong những dạng tiết mục này.
Hiện nay, có nhiều người bắt đầu theo học piano và ít được tiếp xúc với phong cách chơi nhạc cổ điển như đã nói ở trên. Tuy nhiên cách học thì lại khá giống, nhiều trung tâm dạy âm nhạc có đạo tạo môn học này cũng theo trình tự tập đọc nốt nhạc, hiểu cách dịch bản kí âm và thị tấu. Học theo cách này mà chỉ học những giai điệu đơn giản thì bạn sẽ chỉ mãi chơi những kiểu đơn giản mà không sáng tạo được thêm.
2. Chơi nhạc đệm hát, cover:
Những người chơi nhạc đệm hát cover thường rất biết cách sáng tạo, họ sáng tạo những kiểu hòa âm độc đáo cho một giai điệu.
Họ nghĩ được những cách lead, solo hay, thậm chí là biết cách hòa âm phối khí cho một bản nhạc (những điều mà học theo music classical cần phải đào tạo bởi một chuyên ngành riêng – ngành lý thuyết, sáng tác và chỉ huy).
Với môn piano đệm hát, cover, bạn không cần phải quá nắm vững kiến thức xướng âm, đọc bản nhạc, song lại cần phải nắm rõ kiến thức về âm giai, hòa âm, và cần rèn luyện khả năng cảm âm tốt. Nhưng nếu không có sẵn khả năng cảm âm thì bạn lại cần phải trải qua sự rèn luyện kí xướng âm, lúc đó cảm âm của bạn cũng sẽ được cải thiện để áp dụng cho đệm hát và sáng tạo cover. Trong môn học kí xướng âm cũng sẽ có học luôn kiến thức về âm giai.
Người theo dòng nhạc này sẽ thường hay biểu diễn phòng trà, hoặc chơi cùng một band nhạc acoustic, hoặc full band (chủ yếu là cùng guitar bass/điện/aoustic, drum, vocal). Họ thường mang theo organ nhỏ thay vì chơi hẳn trên một cây dương cầm, và organ nhỏ cũng thường được thiết kế nhiều hiệu ứng âm thanh độc đạo và mô phỏng được nhiều loại nhạc cụ khác.
Tổng kết
Như vậy ta thấy rằng, lý thuyết nhạc lý cơ bản và môn xướng âm khá là quan trọng trong việc xây dựng nền tảng để theo học một chuyên ngành nhạc cụ và phong cách biểu diễn nào đó. Đây cũng là lý do mà trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, mọi học sinh, sinh viên thuộc bất cứ khoa nhạc cụ nào, từ piano, keyboard, strings, thanh nhạc, bộ hơi, thậm chí là bộ gõ cũng đều được học môn kí xướng âm cùng nhau.